Ngày nay người ta về quê tìm cái tĩnh, cái thanh, cái thoáng, cái mộc ở làng. Đến rồi, nhìn rồi, mà không phải đã thấy hết, cảm hết cái đẹp, cái hay của làng quê, nhất là làng quê Bắc bộ. Đường làng, cổng làng, chùa làng, đình làng… tất cả đều phơi ra đấy mà không lộ, không hiện ra hết cái nét quê hấp dẫn, đầy mỹ cảm của người Việt. Có sinh ra ở quê, sống mãi ở quê cũng đã thấy được hết, cảm được hết cái đẹp này của làng quê Bắc bộ. Đó cũng là chuyện thường tình, bởi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở” đến khi ta ra đi “đất mới hoá tâm hồn”.
Hồn quê ở đâu? Nét quê ở đâu trong làng quê Bắc bộ? Không chỉ có ở chất gụ nâu trong tà áo cô thôn nữ, trong khói lam chiều, con trâu bờ ruộng, câu chào cái nguýt mắt hay trong hội hè đình đám, ma chay dỗ chạp, trong câu quan họ hát văn hay ở chợ làng, nghề làng. Cái hồn quê đó luôn được chứa đựng và đi liền trong cái VỎ QUÊ VẬT THỂ. Vỏ quê vật thể đó trước hết là cung cách tổ chức cuộc sống nông nghiệp Việt Nam, là cách thức cấu trúc môi trường vật thể nông thôn Việt Nam, là bản sắc của người Việt một trăm phần trăm, không trộn lẫn, có từ ngàn năm nay.
Kiến trúc của một ngôi chùa, mái đình, một bảo tháp đâu đó còn phảng phất chất Trung hoa hay Ấn Độ; chứ cấu trúc quy hoạch làng và cảnh quan làng thì chỉ có người Việt làm được như vậy. Bởi lẽ tự nhiên là đất đó chỉ của người Việt, người đó chỉ là người Việt, cuộc sống đó chỉ là cuộc sống người Việt. Người ta có thể du nhập rồi Việt hoá quy hoạch một đô thị, một kinh thành chứ không bao giờ và không thể du nhập quy hoạch một làng xứ lạ vào ta được. Vậy thì chắc chắn cái vỏ vật thể đó – làng Việt – hàm chứa hồn quê, bản sắc của người Việt.
Hệ thống đường làng, đường xã, đường sông theo địa thế tự nhiên tạo nên nhiều phối cảnh đa dạng và bất ngờ cho cảnh quan nông thôn. Con mắt không dõi theo bất tận trên mặt ruộng đến chân trời mà luôn được giới hạn, dừng lại ở các điểm, các đốm làng. Các đốm làng ven sông, trên gò cao hay ở các triền núi sót nổi bật trên nền xanh vàng của ruộng lúa, nương khoai như một bức tranh vè dở, một phác thảo chưa xong, để dành cho người xem liên tưởng và tự hoàn chỉnh theo kiểu của mình. Không hoành tráng, chỉnh chu, nhiều nét nhiều điểm hơn là khối lớn, mảng to, khuôn hình hẹp, xa gần hư ảo, bức tranh quê quả là hợp với tâm tính và cơ địa của người Việt vốn ưa cái vừa phải, gợi mở, linh hoạt và dễ dung hợp. Đường quê ngõ làng, quán nước cây đa luôn hàm một ẩn dụ, một ẩn tích, một loạt các hình ảnh liên tưởng nào đó đậm chất huyền thoại hay thần tích; lúc bí ẩn lúc ngồ ngộ. Cái hình ảnh mà mắt ta nhìn như không được nhận thấy hết, như thiêu thiếu, như còn nữa, luôn gợi mở trí tưởng tượng và so sánh. Ngay cả khi ta hiểu được nội dung hay tích chuyện của cảnh quan làng thì cái hình ảnh được nhìn thấy đó vẫn như muốn được phát hiện thêm, khám phá thêm mãi trong ký ức của mỗi người chúng ta, đường làng như một kênh kỷ niệm đầy ắp trải nghiệm và tâm tưởng. Con đường trườn qua đồng ruộng, gò mả rồi quành vào cổng làng. Cái chất lạo xạo lúc hanh khô hay nhơn nhớt khi trời mưa cứ bám riết vào tiềm thức, đi cùng thời gian. Trong cảnh bằng lặng trước làng, trồi lên một cây đa, gốc gạo, lùm lùm phía dưới là một quán nước hay đình trạm tuênh toang. Ở đấy có cả một thế giới truyền kỳ, ma có, thần có,đời có, đạo có. Cái thế đơn chiếc, độc tôn, trống trải trong khoảng nhỏ đất trời trước làng của hợp thể quán – cây giữa đồng khắc một hình đậm trên nền trời quê, một hình ảnh (image) bền và thân thuộc trong ký ức dân quê mỗi khi đi xa. Rồi với thời gian, nó như một ký hiệu (sign) của con đường. Không gian tuyến của đường quê được cô lại ở những điểm nhấn này. Đôi lúc như vành nón của mẹ che mưa che nắng, có lúc lại như một điểm khuất để ngả ngốn bên nhau trước buổi hoàng hôn. Những lúc trời nhá nhem hay đêm khuya lùng bùng đom đóm thì chỉ có nước ù té chạy qua, như có ma vờn vạt áo. Người quê đã tạo cho đường quê một thế giới cảm giác đầy ắp, đa dạng và đa nghĩa mà không một đường phố nào có được. Trên tuyến đường vào làng có không biết bao nhiêu thực thể tồn tại, biết bao cây đã mọc tự nhiên hay được trồng, thế rồi cuối cùng cũng chỉ có một vài cây, một vài quán miếu là tồn tại như một hình ảnh đặc trưng của làng quê, như một ký hiệu của đường làng. Chỉ thực thể nào được dân quê thổi hồn vào đó, gắn tích vào đó mới có được hình ảnh đặc trưng. Đường quê – cây đa – quán trạm, đường quê – gò mả – mương nước.. tồn tại như một thức không gian vật thể và tâm linh của làng. Có tự bao giờ và ai đã tạo nên cái thức không gian đấy đầy chất ký hiệu này?
Mạng lưới đường làng, ngõ xóm là một mạng tự phát điển hình. Nó không chỉ là kết quả của tuyến đi về, nó còn phản ánh rõ các quy ước, ứng xử của người làng với nhau Hình như người làng không bao giờ cần đến một không gian quá rộng, chỉ vừa đủ. Có hội, có đám dân làng và khách làng cứ phải rồng rắn nối đuôi nhau, chen nhau va chạm nhau thì mới là hội làng, đám làng. Ở những hội đó, đám đó mới nhìn thì cứ tưởng đông lắm, chứ nếu tính đếm thì không đáng gì với một tập trung đô thị. Đường làng góp phần tạo không khí hội bằng kích thước nho nhỏ và hình dạng vô định của mình.