Làng Việt – Hồn Việt – Văn hóa Việt. Phần 3: Đình Làng

Đường lớn của làng dẫn đến đình làng, khi thì đến thẳng, khi thì quanh co nhưng thường rộng hơn, thoáng hơn. Đường không dẫn thẳng đến Đình theo kiểu “vỗ mặt”. Lối bố cục vuông góc, trực diện “vỗ mặt” là kiểu “đại ngôn, răn đe” không hợp với tương quan Đình – Đường. Chỉ ở Đình mới thể hiện hết sự quân bằng của thế Thiên – Địa – Nhân, một kiểu hiểu Nho giáo được làng hoá. Không gian Đình là không gian Đời của làng. Sự hiện diện của các bậc Thành hoàng cũng là một kiểu “đánh dấu tâm linh” cho không gian đình, cốt để bảo hộ phù trì cho dân làng hơn là nghiệm minh huyền triết, mộc mạc kiểu “đất có thổ công, sông có hà bá”. Bố cục đơn giản, dân dã, nghi thức tối thiểu, chi tiết thiên về tự nhiên, cấu trúc đơn thể không nhiều lớp nghi thức như không gian chùa hay cung đình, lăng viện. Hầu như không thấy dấu ấn vật lý của trục tổ hợp, nhiều yếu tố ngẫu nhiên hơn xếp đặt. Trong không gian Đình có hai tín hiệu thị giác quan trọng nhất: mái đình và sân đình. Đó là hai yếu tố to nhất trong không gian đình do dân làng làm nên. Ao đình có thể to hơn sân nhưng không tham gia nhiều vào không gian Đình. Cây đình, trụ biểu có thể cao nhưng không lọt sâu vào trường thị giác dân làng. Chỉ có cái mái bè bè, chiếm 2/3 độ cao đình, ấn mấy cột cái, cột quân xuống đất, thì đúng là “qua đình ngả nón trông đình”. Không gian đình, nhất là sân đình cô đặc việc làng, thắm đượm tình cảm và tâm trạng người làng, trình diễn cái bản thể văn hoá làng. Không gian đình là vô định, nó như một “file” của máy tính, chỉ hiện thị khi ấn vào phím kỷ niệm, vào những dấu hiệu và biểu tượng của đình, của sân đình. Ở đó có nước mắt và luộm tóc của ả làng bị bắt vạ, có niềm thâm nghiêm và hư hãnh khi rước sắc phong, có vết lằn của chiếu chèo, chiếu cỗ trên mặt đất nện hay sân gạch. Tiếng to, tiếng nhỏ khi ăn chia, giọng lề giọng vặt khi đón bạn hát ngày xuân, như vẫn còn ẩn trú đâu đó trong cột đình, đầu đao, bờ ao, mái ngói. Từng viên gạch, giọt ranh, thềm đá, gốc cây, đâu cũng đầy thông tin và hình ảnh. Vô hình đó mà hữu hình đó, tâm tưởng đó mà thị giác đó. Giàu hình ảnh và đa dạng kiểu này chỉ có ở đình làng, chùa – đền – miếu không có. Cơ chế tồn tại của làng vốn nặng tính thích ứng hơn tính chinh phục nên văn hoá làng lộ rõ tính linh hoạt, luôn tồn tại một độ “lơi” nhất định trong cơ chế, độ đồng nhất không cao, không có cái cực điểm thái quá Bên cạnh lệ làng còn có nghĩa xóm. Hương ước và nề nếp họ tộc vẫn dung hợp nhau. Ứng xử nho giáo quyện với giác ngộ phật giáo. Những khái niệm tưởng như tương phản nhau đều được người làng dung hợp, Đình làng dung hợp. Làng luôn tìm được cái tương đồng trong thế đối kháng để dung hợp, đó là thái độ vị thế tục, vị nhân sinh và vị lợi cho làng. Không gian đình làng cũng vậy, chủ yếu phục vụ cho cái hàng ngày, đời thường, trước mắt của cuộc sống, một cuộc sống luôn tồn tại cái được cái mất, cái ưu cái nhược. Nói rằng hướng đình là quan trọng, quyết định nhà ở trong làng cũng không đúng hết. Ai cũng biết hướng Nam là hướng tốt nhất cho người Việt, đến các bậc đế vương cũng quay về nam mà bình thiên hạ. Vậy nếu Đình quay về hướng nam, tất cả 4 đầu đao sẽ là : đông bắc, đông nam, tây bắc, tây nam. Đông nam là hướng tốt sao phải tránh, hướng tây là hướng xấu sao phải theo để tránh hướng đầu đao. Làm nhà tránh sao được hướng xấu so với Đình, vậy mới có câu “mắt toét là tại hướng Đình, cả làng mắt toét chứ mình em đâu”. Cái thế lỏng lẻo, mập mờ, linh hoạt, không tận cùng luôn toát ra trong không gian đình, không gian làng. Chính điều này tạo cho làng một CẤU TRÚC MỞ, dễ thích ứng với thiên nhiên và xã hội.