Làng Việt – Hồn Việt – Văn hóa Việt. Phần 4: Quán nước đầu làng

Đâu đó trên con đường loanh quanh của làng, ta bắt gặp một quán nước liêu xiêu bên vệ đường, tuềnh toàng thưng cót, mái rạ, vài cái kẹo, bát nước chè xanh, hàng quà gói thuốc.

Một loại dịch vụ lửng lơ, có cũng được không chẳng sao. Ở làng không có hệ thống dịch vụ thương mại, tất tất đều trông vào chợ quê. Vị trí giới hạn của chợ cũng linh hoạt và tuỳ ứng. Hình thái bao che thiên về cái tạm và thoáng, chỉ có phiên là cố định. Chỉ cố định cái quy ước. Chợ quê là một phần của của văn hoá làng, cái ăn, cái mặc, kiểu ứng xử bày cả ra chợ. Không chỉ ảnh hưởng ở làng mà ngày nay, chợ quê cũng có một “thị phần” ở đô thị. Tính ngẫu nhiên, tuỳ ứng là đặc thù của không gian chợ như thể là chợ phải vậy. Cứ quan sát mấy cái chợ mới xây lại ở phố khắc thấy ngay. Dẫu có được xếp đặt, xây tầng, bao che thì chợ vẫn cứ ào xuống đất, tràn ra đường. Có lẽ chợ chỉ cần một khoảng rộng, có mái hoặc không là đủ. Cho dù đó là chợ quê hay chợ phố. Cùng với nghề làng, phiên chợ làm cho dân quê không gặp mãi nhau, không xa mãi nhau, như có hẹn có chờ vậy. Trong khoảng thời gian của “phiên” ấy, biết bao nhiêu tâm trạng được dồn nén. Chợ quê không chỉ là một yếu tố cấu trúc của không gian làng, còn như một loại hình ảnh lưu bền với người quê. Giá trị và đặc tính văn hoá của chợ quê không hàm cái hình ảnh và hình thái không gian cụ thể. Vẻ kiến trúc, quy hoạch như trốn ở đâu, khó thấy, nhường lại cho các loại hình ảnh ký ức và tâm trạng, nhất là với các bà các cô. Cái đẹp của chợ ở đây ư? Không gian Đình và không gian Chợ là hai không gian đặc trưng nhất nhưng phức định và đa dạng nhất của cấu trúc không gian làng quê Bắc bộ. Đó là chốn “làng” nhất của quê