Nhà ở nông thôn truyền thống đồng bằng Bắc Bộ truyền thống xưa. Phần 2

Nhà ở truyền thống đồng bằng Bắc Bộ làm rất đối xứng

Điểm đầu tiên có thể thấy qua từng nếp nhà truyền thống đó là sự cân xứng của chúng. Nếu chia căn nhà ra thành 2 phần bằng nhau ta sẽ thấy thiết kế của hai bên là giống hệt nhau. Yếu tố này rất quan trọng, bởi vì theo quan niệm phương Đông sự cân bằng, hài hòa là hình thái đẹp nhất phù hợp với quy luật vận hành của vũ trụ. Chính vì vậy trong các công trình kiến trúc ta có thể dễ dàng nhận ra quy tắc thiết kế này. hông chỉ vẻ bề ngoài của căn nhà, các thiết kế nội thất bên trong cũng được làm rất cân bằng. Điển hình nhất là sự bố trí, sắp đặt gian thờ. Các nội thất đồ thờ đều được sắp xếp đối xứng với nhau qua bố cục chính giữa của gian thờ.

Nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ vừa có tính cộng đồng, vừa có tính cá thể

Nói đến căn nhà ta thường nghĩ nhiều hơn về tính cá nhân, riêng tư của chúng. Tuy nhiên với nhà truyền thống Bắc Bộ không gian sinh sống còn được thiết kế phù hợp với cả sinh hoạt cộng đồng làng xóm.

Đầu tiên, những gian của căn nhà ở truyền thống Bắc Bộ thường được làm thông với nhau. Trừ những gian cần sự riêng tư như: gian buồng ngủ, gian cất trữ lương thực,… Không gian rộng rãi này là nơi mọi người tổ chức các sinh hoạt cộng đồng như ăn uống tụ tập con cháu, xóm làng.

Ngoài ra mọi người có thể cùng nhau vui đùa, chuyện trò trong phần hiên rộng rãi của nhà gỗ hoặc phần sân trước nhà.

Sự gắn kết cộng đồng là một phần không thể thiếu của những ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ. Thể hiện rõ tinh thần gắn kết của người Việt.

Nhà truyền thống Bắc Bộ giản dị nhưng đầy sang trọng

Những căn nhà truyền thống Bắc Bộ được thiết kế theo hình khối giản lược, kết cấu đơn giản, khiêm tốn. Điều này có liên quan mật thiết đến tính cách của người dân ta: không phô trương, không xa hoa luôn chân chất, giản dị.

Tuy nhiên sự đơn giản đó không mang ý nghĩa tuềnh toàng, tạm bợ. Từng nếp nhà cổ đều rất được chăm chút, đục chạm hoa văn tinh xảo thể hiện sự sang trọng của gia đình.

Mặc dù kết cấu nhà đơn giản nhưng trên các cấu kiện ta có thể thấy từng hoa văn thể hiện một cách hết sức sinh động biểu thị cho sự cầu kỳ, tỉ mẩn của người thợ làm nhà gỗ.

ẫu hoa văn không chỉ đơn thuần là vật trang trí mà chúng còn có ý nghĩa may mắn, mời gọi tài lộc và cầu bình an cho gia đình. Qua đây có thể thấy người Việt chăm chút cho từng góc nhỏ của căn nhà truyền thống Bắc Bộ như thế nào.

Những căn nhà truyền thống Bắc Bộ có bố cục chặt chẽ, khoa học

Nhà truyền thống Bắc Bộ được làm từ bộ khung vững chãi từ gỗ tự nhiên. Bộ khung này được cấu thành từ rất nhiều hệ thống cấu kiện khác nhau như: hệ thống cột, hệ thống xà, hệ thống kẻ, hệ thống chồng rường, hệ thống kết cấu mái,….

Vô số các cấu kiện khác nhau với hình dáng, kích cỡ và tên gọi khác nhau đều được sắp xếp khoa học và giằng chặt chẽ với nhau tạo một bộ khung kiên cố. Sự sắp xếp các cấu kiện của căn nhà có hệ thống, được tính toán kỹ càng, khoa học. Không có một cấu kiện nào trong nhà coi là dư thừa, mỗi cái dù là nhỏ nhất cũng có những chức năng riêng, vai trò riêng khi hòa vào tổng thể.

Không gian sống của nhà truyền thống Bắc Bộ hài hòa với thiên nhiên

Một điểm có thể thấy rõ khi tham quan những căn nhà truyền thống Bắc Bộ đó là không gian sống và không gian thiên nhiên được làm giao hòa với nhau. Theo đúng kết cấu,  kiến trúc cổ nhà nào cũng sẽ thiết kế cho mình một khu vườn.

Khu vườn trồng cây xanh có rất nhiều tác dụng. Trước tiên, nó mang đến bầu không khí trong lành rất tốt với sức khỏe của gia đình. Tiếp đó, cây xanh còn có tác dụng điều hòa không khí, cản gió mùa Đông Bắc, cản gió nồm ẩm thổi vào trong căn nhà. Và kế đó, vườn cây là nơi gia đình sử dụng thành khu vực tăng gia sản xuất, trồng rau củ, cây ăn quả,..

Các loại cây trong khu vườn rất dân dã và dễ dàng bắt gặp ở mọi miền quê Việt Nam như: chuối, cau, gấc, khế, trúc quân tử, hoa giấy,…

Căn nhà truyền thống Bắc Bộ có màu sắc đậm chất dân gian

Nói đến màu sắc của những ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ ta nói đến sự dân dã, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Căn nhà được làm bằng gỗ – vật liệu chủ đạo và xuyên suốt trong khối công trình.

Gỗ với màu nâu mang đến cảm giác gần gũi mà sang trọng. Sắc nâu khiến ta liên tưởng đến màu của đất, màu của sắc áo tứ thân truyền thống người dân vùng Bắc Bộ.

Hàng ngói đỏ, gạch đỏ, sân gốm đỏ tạo nên một sự đồng bộ, hài hòa. Theo văn hóa phương Đông, màu đỏ là màu của sự may mắn, cát lộc. Màu sắc này cũng thể hiện rõ tính dân gian của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra một số căn nhà gỗ cổ truyền phần vì đốc còn sơn vàng. Màu vàng thể hiện cho sự trù phú, mùa mang bội thu mang sắc màu chín của lúa.

Có thể thấy, trong nếp nhà truyền thống Bắc Bộ những màu sắc đều liên quan mật thiết đến với đời sống của nhân dân Việt Nam. Nó là thể hiện cho tính dân gian, văn hóa, dân tộc.

Mẫu nhà truyền thống Bắc Bộ sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường

Bên cạnh màu sắc, có một điểm rất dễ nhận thấy và là đặc trưng của những căn nhà truyền thống Bắc Bộ là sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Những loại vật liệu này đều đến từ thiên nhiên và an toàn với sức khỏe của con người.

Gỗ được lựa chọn làm nhà là những thân gỗ chất lượng cao ngoài tự nhiên. Gạch, ngói đều là những vật liệu hình thành từ đất sét nung ở nhiệt độ cao.

Những chất liệu này hoàn toàn không gây hại với sức khỏe của con người. Bên cạnh đó vật liệu cho căn nhà cảm giác thanh thoát, không nặng nề như bê tông, cốt thép.

Trên đây là những điểm đặc trưng của kiến trúc nhà truyền thống Bắc Bộ. Xuyên suốt khối công trình, căn nhà ở đề cao tính hài hòa, cân đối giữa con người với con người và con người với thiên nhiên. Ngôi nhà không chỉ là nơi sống và gắn bó của người Việt nó còn như một bảo tàng nhỏ nơi lưu giữ tinh hoa truyền thống của ông cha ta để lại.