Làng Việt – Hồn Việt – Văn hóa Việt. Phần2: Cổng Làng

Ngày nay người ta về quê tìm cái tĩnh, cái thanh, cái thoáng, cái mộc ở làng. Đến rồi, nhìn rồi, mà không phải đã thấy hết, cảm hết cái đẹp, cái hay của làng quê, nhất là làng quê Bắc bộ. Đường làng, cổng làng, chùa làng, đình làng… tất cả đều phơi ra đấy mà không lộ, không hiện ra hết cái nét quê hấp dẫn, đầy mỹ cảm của người Việt. Có sinh ra ở quê, sống mãi ở quê cũng đã thấy được hết, cảm được hết cái đẹp này của làng quê Bắc bộ. Đó cũng là chuyện thường tình, bởi “khi ta ở chỉ là nơi đất ở” đến khi ta ra đi “đất mới hoá tâm hồn”.

Hồn quê ở đâu? Nét quê ở đâu trong làng quê Bắc bộ? Không chỉ có ở chất gụ nâu trong tà áo cô thôn nữ, trong khói lam chiều, con trâu bờ ruộng, câu chào cái nguýt mắt hay trong hội hè đình đám, ma chay dỗ chạp, trong câu quan họ hát văn hay ở chợ làng, nghề làng. Cái hồn quê đó luôn được chứa đựng và đi liền trong cái VỎ QUÊ VẬT THỂ. Vỏ quê vật thể đó trước hết là cung cách tổ chức cuộc sống nông nghiệp Việt Nam, là cách thức cấu trúc môi trường vật thể nông thôn Việt Nam, là bản sắc của người Việt một trăm phần trăm, không trộn lẫn, có từ ngàn năm nay.

Kiến trúc của một ngôi chùa, mái đình, một bảo tháp đâu đó còn phảng phất chất Trung hoa hay Ấn Độ; chứ cấu trúc quy hoạch làng và cảnh quan làng thì chỉ có người Việt làm được như vậy. Bởi lẽ tự nhiên là đất đó chỉ của người Việt, người đó chỉ là người Việt, cuộc sống đó chỉ là cuộc sống người Việt. Người ta có thể du nhập rồi Việt hoá quy hoạch một đô thị, một kinh thành chứ không bao giờ và không thể du nhập quy hoạch một làng xứ lạ vào ta được. Vậy thì chắc chắn cái vỏ vật thể đó – làng Việt – hàm chứa hồn quê, bản sắc của người Việt.

Thường đó là một tam quan xây gạch, không to lắm cũng không lớn lắm. Cầu kỳ thì đắp ngói với một vài hoạ tiết dân gian. Con đường đi qua cổng làng để lại theo năm tháng những lớp bụi quê vô thường, vô thức chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của làng. Đám rước, đám hội, những buổi tiễn đưa hay hò hẹn như đều được bắt đầu và kết thúc ở đây. Nhìn cái vẻ cũ kỹ, quê mùa của nó người quê có thể đọc được khối chuyện. Có cả niềm hân hoan, nỗi bịn rịn ươn ướt trên mi, quệt vào vách cổng, sướt trên cột cổng.

Có ai mỗi khi xa quê không ngoái lại nhìn lần cuối tam quan làng mình. Tam quan cổng làng được dùng như một quy ước không gian hơn là giới hạn địa lý của làng. Nó chẳng ngăn che được gì về vật lý lẫn thị giác. Vậy mà làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó như một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng. Cái kiểu đánh dấu này vẫn tồn tại trong tâm thức người Việt hiện đại. Một buổi giao lưu trong thiên nhiên, một đám hội hễ có nhiều quần thể khác nhau bao giờ cũng dựng cổng, định vị “xác định chủ quyền” dẫu thực tế chẳng có gì ngăn cách.

Cổng làng như một Nghi thức trong cấu trúc môi trường làng. Có cổng thì ở sát rìa làng, có cổng thì ở tít đầu đường, chỗ giao nhau với đường cái quan và làng.